Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 phát biểu tại Hội nghị.

Chuẩn bị chu đáo từ sớm, từ xa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra trên quy mô toàn quốc với hơn 1 triệu thí sinh dự thi và hàng trăm nghìn cán bộ cùng tham gia tổ chức. Với tính chất quan trọng của Kỳ thi, khối lượng công việc nhiều, lại diễn ra trong thời gian ngắn, được toàn xã hội quan tâm nên áp lực là rất lớn.

Chia sẻ điều này tại Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng, tính chất phức tạp của Kỳ thi, qua kiểm tra và từ báo cáo của các tỉnh/thành có thể thấy công tác chuẩn bị mọi điều kiện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ nhân lực đến vật lực hết sức chu đáo. Một trong những thuận lợi khi triển khai chuẩn bị cho Kỳ thi là Bộ GD&ĐT ban hành hệ thống văn bản, cũng như triển khai tập huấn sớm, đầy đủ, kịp thời.

Công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa tại các địa phương thể hiện trong 6 nhóm công việc cụ thể như sau:

Một là, các địa phương đã chủ động ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Có địa phương đã ban hành Chỉ thị của UBND tỉnh về Kỳ thi từ rất sớm.

Thứ hai, Ngoài Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, địa phương còn thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, thể hiện sự quan tâm của địa phương cho Kỳ thi này.

Thứ ba, Ban Chỉ đạo kịp thời phân công, làm rõ trách nhiệm, tiến hành thanh tra, kiểm tra với tinh thần rà soát tháo gỡ, chủ động trong công việc…

Thứ 4, UBND cấp tỉnh, cấp huyện chủ động tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường hệ thống điện, nước, ánh sáng,.. bảo đảm tốt nhất cho Kỳ thi.

Thứ 5, chủ động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt công tác tập huấn được triển khai nghiêm túc với tinh thần tất cả các cán bộ tham gia Kỳ thi đều phải được tập huấn.

Thứ 6, các địa phương cũng rất chủ động trong công tác truyền thông, truyền thông đúng, đủ, kịp thời.

Với 6 nội dung này, Thứ trưởng khẳng định công tác chuẩn bị chủ động, đầy đủ, sẵn sàng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh, không để thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế, về cách trở giao thông mà không được đến trường thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

6 nhóm vấn đề cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc

Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi, 6 vấn đề được Thứ trưởng lưu ý cần quan tâm trong thời gian tiếp theo.

Vấn đề đầu tiên Thứ trưởng nhấn mạnh là tiếp tục quán triệt nghiêm túc, đầy đủ, sâu sắc Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2024; cụ thể hóa yêu cầu của Thủ tướng trong mỗi nhiệm vụ.

Trong đó, Thứ trưởng nhắc đến 5 nhóm nhiệm vụ chung: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia Kỳ thi.

Nhiệm vụ cần quán triệt trong Chỉ thị của Thủ tướng, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm tuyệt đối an toàn. Trong đó, bảo đảm an toàn từ in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi/bài thi; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng chống cháy nổ; an ninh trật tự; điện nước… Mỗi yêu cầu an toàn này, từng cấp, ngành, từng vị trí, công đoạn phải có nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, rõ nội dung, phương pháp chỉ đạo.

Cùng với đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có quy mô lớn, phức tạp nên khó tránh khỏi có sơ suất, tình huống bất thường. Vấn đề là cần có tiên lượng trước, phương án dự phòng để sẵn sàng khi có tình huống phát sinh.

Với yêu cầu trong Chỉ thị “tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ thông tin liên lạc vào phòng thi”, dù là nhiệm vụ khó khăn, nhưng thầy cô sẽ làm tốt nếu tăng cường trách nhiệm, năng lực thực thi nhiệm vụ.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh được dự thi trong Chỉ thị, đặc biệt với vùng khó khăn, nơi cách trở về giao thông… Phương châm cao nhất là không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế, hay cách trở giao thông mà không được dự thi…

Ngoài quán triệt nhiệm vụ trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề thứ hai được Thứ trưởng nhấn mạnh là xác định rõ tính chất, tầm quan trọng, yêu cầu chuyên môn từng công việc để có phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể; đặc biệt là các khâu in sao vận chuyển, bàn giao, bảo quản đề thi/bài thi; công tác coi thi; chấm thi…

Các vấn đề còn lại, Thứ trưởng lưu ý tiếp tục rà soát, kiểm tra một cách toàn diện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ Kỳ thi; đặc biệt chú trọng công tác nhân sự, từ lựa chọn, tập huấn nâng cao trình độ và nhận thức, thấy được trách nhiệm cũng như khuyến cáo hậu quả nếu vi phạm…; thực hiện nghiêm túc công tác thông tin báo cáo, trực thi; chú trọng công tác thông tin, truyền thông trước trong và sau Kỳ thi.

Phương châm “4 đúng, 3 không” cũng được Thứ trưởng nhắc lại. Theo đó, “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức”.

Cảm ơn tinh thần chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, Thứ trưởng tin tưởng, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, sự tập trung cao độ và phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cấp, ngành, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ thành công, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu đề ra, với tinh thần an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện.